Phố đi bộ Bạch Đằng (TP Đà Nẵng) sẽ bao gồm các hoạt động đi bộ thư giãn, ngắm cảnh sông Hàn về đêm, trải nghiệm check-in, các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ phục vụ du lịch đạt chất lượng cao để phục vụ khách du lịch và người dân thành phố. Dự kiến từ tháng 4/2024, Đà Nẵng sẽ tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, đoạn từ cầu Rồng đến cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Theo đó, thời gian thí điểm đến hết năm 2028 tại không gian bờ tây sông Hàn trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài đến nút giao thông đường Duy Tân – Trần Thị Lý (chiều dài dự kiến 1,2km) kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi (chiều dài 513m).

  • Thời gian hoạt động của phố đi bộ từ 15h – 24h hằng ngày. Sau thời gian này, ngừng tất cả các hoạt động, dịch vụ trên tuyến phố, vệ sinh và trả lại mặt bằng nguyên trạng.

Theo phương án thống nhất, từ 15h – 24h hằng ngày đoạn đường Bạch Đằng nối dài sẽ sử dụng một làn xe phía đông kẻ ô vị trí được đậu đỗ để bố trí xe bán hàng lưu động. Làn này sẽ không sử dụng cho các mục đích khác như bố trí bàn ghế, người đi bộ dưới lòng đường…Riêng 3 làn còn lại là một chiều, đặt biển báo giới hạn tốc độ 40km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Phương án ban đầu Đà Nẵng sẽ bố trí 3 cụm với 12 ki ốt bán hàng di động trên toàn tuyến vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng nối dài, và 5 cụm với 15 xe bán hàng lưu động trên làn xe phía này.

Ngoài ra, trên phố đi bộ sẽ thiết kế các điểm “check-in”, lắp đặt các trạm Wi-Fi miễn phí, chỉnh trang đường dẫn lên cầu Nguyễn Văn Trỗi, vẽ tranh bích họa, bố trí sân khấu chính tại sàn cảnh quan đối diện đường Bình Minh 6.

– Triển khai hệ thống biển tên “Phố đi bộ Bạch Đằng” kèm theo trang trí nghệ thuật tạo điểm check – in ngay các lối vào của tuyến phố.

Phố đi bộ tổ chức hoạt động gì?

Định hướng phố đi bộ của Đà Nẵng sẽ tổ chức hai nhóm hoạt động chính.

a) Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng

– Định kỳ tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ người dân và du khách tại Công viên APEC.

– Tại sân khấu chính (sàn cảnh quan đối diện đường Bình Minh 6): Tổ chức các chương trình biểu diễn hàng đêm: EDM, DJ,…,  tổ chức các chương trình ca nhạc, sự kiện quy mô lớn.

– Sử dụng lòng đường và vỉa hè vào dịp lễ tết, mùa cao điểm khách trong năm sẽ tổ chức thêm các lễ hội/sự kiện đặc biệt quy mô lớn: Lễ hội trung thu, Lễ hội lân sư rồng quốc gia/quốc tế, lễ hội chào năm mới, Lễ hội Tết Việt, Lễ hội bia, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội Khinh khí cầu… và các lễ hội, sự kiện do doanh nghiệp đăng cai tổ chức.

– Tổ chức Vũ hội đường phố vào tối thứ bảy cuối cùng của mỗi tháng (cùng Quận Sơn Trà tổ chức theo lộ trình đường Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi).

– Tổ chức các hoạt động theo chủ đề vào dịp cuối tuần, Lễ, Tết hoặc Lễ hội, sự kiện của đơn vị trường học, sở ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

– Các hình thức nghệ thuật đường phố: Vẽ tranh chân dung, ảo thuật, tạo hình bong bóng, thể dục nhịp điệu, âm nhạc đường phố, biểu diễn thời trang, đồng diễn flashmob, liên hoan các ban nhạc, nhóm nhảy đường phố, tổ chức các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đánh cờ, tập thể dục thể thao, tập dưỡng sinh, đi bộ… (không bao gồm các hoạt động hát karaoke bằng loa kéo di động).

b) Các hoạt động dịch vụ, các hoạt động phụ trợ

– Tổ chức các kiot bán hàng di động và xe bán hàng lưu động để phục vụ giải khát, thức ăn nhanh, hàng lưu niệm…

– Tham quan các điểm check-in, tranh bích họa.

– Các hoạt động phụ trợ khác:

+ Ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước.

+ Tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

+ Du ngoạn trên tàu du lịch sông Hàn về đêm.

+ Các dịch vụ giải khát, ẩm thực, mua sắm với các tuyến đường, khu vực lân cận thuộc quận Hải Châu và quận Sơn Trà.